Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Aung San Suu Kyi đọc diễn văn nhận Giải Nobel Hoà bình tại Oslo-Từ tù nhân can đảm trở thành dân biểu Quốc hội

Aung San Suu Kyi đọc diễn văn nhận Giải Nobel Hoà bình tại Oslo
Aung San Suu Kyi đọc diễn văn nhận Giải Nobel Hoà bình (Reuters)
Aung San Suu Kyi đọc diễn văn nhận Giải Nobel Hoà bình (Reuters)
Thanh Phương
Hôm nay 16/06/2012, nhà đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi đã đến toà đô chính Oslo của Na Uy để đọc bài diễn văn nhận Giải Nobel Hoà bình mà bà được trao tặng vào năm 1991, vào thời gian bà đang bị quản thúc tại gia, không thể đích thân đến Oslo để nhận giải. Năm đó, chồng của bà, giáo sư Michael Aris và hai con trai đã đi nhận giải thay cho bà.

Trong bài diễn văn tiếp đón bà Aung San Suu Kyi, chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland, đã khẳng định rằng, trong thời gian lãnh đạo đối lập Miến Điện bị cô lập, bà đã trở thành một lãnh đạo tinh thần của toàn thế giới. Ông Jagland nhân đây cũng tỏ ý hy vọng là nhà đối lập Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hoà bình năm 2010, một ngày nào đó cũng được đến Oslo để nhận giải.

Trong bài diễn văn nhận giải Nobel, Aung San Suu Kyi cho biết giải thưởng này đã « mở một cánh cửa trong trái tim » của bà, và đã mang lại hy vọng để bà tiếp tục cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền. Nhân dịp này, bà kêu gọi quốc tế vận động trả tự do cho toàn bộ tù chính trị tại Miến Điện, đồng thời tuyên bố bà và đảng của bà sẳn sàng đóng một vai trò trong công cuộc hòa giải dân tộc để đưa chế độ quân sự Miến Điện đến dân chủ.

Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi lấy làm buồn là những xung đột vẫn chưa chấm dứt ở Miến Điện, ý muốn nói đến xung đột giữa cộng đồng Phật giáo với thiểu số Hồi giáo, cũng như những giao tranh với lực lượng thiểu số Kachin. 

Từ Genève, bà Aung San Suu Kyi đã đến Oslo từ tối hôm qua và đã được hàng trăm người Miến Điện đón chào bằng những bó hoa và những bài hát. Nhiều người vẽ lên mặt là cờ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Sau đó, nhà đối lập Miến Điện đã gặp thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg, rồi cùng với ông, quốc vương Harald, hoàng hậu Sonja, các dân biểu và đại diện cộng đồng Miến Điện dự buổi dạ tiệc tại cung Akershus. 

Sau Na Uy, bà Aung San Suu Kyi sẽ đến Anh quốc, quê hương của chồng, ghé qua Ai Len, trước khi kết thúc chuyến công du châu Âu tại Pháp. Nhà đối lập Miến Điện sẽ thăm Pháp từ ngày 26/06 đến 29/06/2012, theo lời mời của tổng thống Pháp François Hollande.
Aung San Suu Kyi : Từ tù nhân can đảm trở thành dân biểu Quốc hội

Aung San Suu Kyi bên cạnh thủ tướng Jens Stoltenberg và quốc vương Na Uy Haraldduring (phải) tại Oslo 15/06/ 2012  (AFP)
Aung San Suu Kyi bên cạnh thủ tướng Jens Stoltenberg và quốc vương Na Uy Haraldduring (phải) tại Oslo 15/06/ 2012 (AFP)
Thanh Phương Có người đã so sánh bà Aung San Suu Kyi với Nelson Mandela, lên cầm quyền ở Nam Phi sau 27 năm ngục tù. Trong 24 năm đấu tranh dân chủ, bà đã bị giam cầm hoặc quản thúc tại gia tổng cộng 15 năm. Nhưng dù bị tù đày hay là công dân tự do, Giải Nobel Hòa bình 1991 vẫn không thay đổi : không hề sợ hãi trước bạo quyền, không nuôi hận thù với kẻ thù cũ.


Thời thế tạo anh hùng. Vào năm 1988, lúc đó đang sống với chồng con ở Anh quốc, bà Aung San Suu Kyi đã trở về Miến Điện để thăm mẹ đang lâm bệnh nặng. Nhưng người con gái của vị anh hùng dân tộc Miến Điện Aung San đã hy sinh hạnh phúc gia đình, ở lại sát cánh với đồng bào, khi cuộc nổi dậy của quần chúng bị dìm trong biển máu. 

Tháng 9/1988, Aung San Suu Kyi và một số người khác đứng ra thành lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Chỉ vài tháng sau, bà đã bị quản thúc tại gia lần đầu tiên năm 1990. Mặc dù lãnh đạo bị giam cầm, Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội năm đó. Nhưng tập đoàn quân phiệt cầm quyền đã không công nhận kết quả này. 

Ngay từ năm 1991, thế giới đã tuyên dương cuộc đấu tranh cho dân chủ của bà Aung San Suu Kyi qua việc trao tặng Giải Nobel Hòa bình, mà các con trai và chồng của bà phải đến Oslo nhận thay, vì bà đang bị quản thúc tại gia. Khi chồng qua đời vì bệnh ung thư năm 1999 ở Anh quốc, Aung San Suu Kyi đã quyết định vẫn ở Miến Điện, vì sợ rằng một khi rời khỏi nước, bà sẽ không được quay trở về. 

Đúng 21 năm sau, lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi, mà vài ngày nữa sẽ mừng sinh nhật 67 tuổi, mới đến được thủ đô Na Uy để đọc bài diễn văn nhận giải Nobel, nhờ tình hình Miến Điện nay đã thay đổi rất nhiều. Chính quyền « dân sự », thay thế tập đoàn quân phiệt bị giải tán, đã tiến hành nhiều cải cách theo hướng dân chủ hóa. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ trở thành đảng đối lập hàng đầu ở Quốc hội và bà Aung San Suu Kyi đắc cử dân biểu, được tự do đi lại. 

Thật ra, như nhận định của đại sứ Úc tại Rangun, ông Trevor Wilson, vai trò mới của bà Aung San Suu Kyi trên sân khấu chính trị Miến Điện vẫn chưa được định hình rõ ràng. Nhưng trong cuộc tranh cử vừa qua, mỗi khi nhà đối lập Miến Điện đến đâu, bà đều được đông đảo dân chúng đón tiếp cuồng nhiệt, cho thấy họ đặt rất nhiều hy vọng vào bà. 

Uy tín của bà Aung San Suu Kyi ở nước ngoài cũng vẫn không suy giảm, thể hiện qua chuyến xuất ngoại đầu tiên từ năm 1988 tại Thái Lan cách đây khoảng hơn 2 tuần lễ, cũng như qua chuyến công du châu Âu lần này. Khi đến thăm Quốc hội Thụy Sĩ hôm qua, bà đã được các dân biểu đứng dậy vỗ tay chào mừng, thể hiện sự kính nễ đặc biệt đối với vị khách này. 

Cách đây 21 năm, tại Oslo, con trai trưởng của Aung San Suu Kyi, Alexander, trong một bài diễn văn gây xúc động cho toàn thể cử tọa, đã nói : « Tôi biết rằng, nếu hôm nay được tự do, mẹ tôi sẽ xin quý vị cầu nguyện cho những kẻ áp bức và những kẻ bị áp bức từ bỏ vũ khí để đoàn kết xây dựng một quốc gia dựa trên lòng nhân ái, trong tinh thần hòa bình ». 

Quả thật là bà Aung San Suu Kyi dù trong những ngày tháng đen tối nhất, vẫn tin tưởng là một ngày nào đó, dân chủ sẽ đến với Miến Điện, cho nên bà đã không hề sợ hãi. Đúng là một tấm gương cho các nhà đấu tranh cho dân chủ và dân quyền toàn thế giới. Với chủ trương đấu tranh bất bạo động giống như Gandhi, Aung San Suu Kyi cũng đã biết tỏ ra khoan dung với những người đã từng đày ải bà, gác bỏ hận thù để cùng với các cựu tướng lãnh đưa Miến Điện đi theo con đường hòa giải dân tộc, yếu tố cần thiết để xây dựng dân chủ và phát triển kinh tế Miến Điện. 

Nhưng rất sáng suốt, Aung San Suu Kyi cũng thường khuyên mọi người là đừng nên lạc quan quá mức về tương lai của Miến Điện. Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Na Uy tại Oslo hôm qua, Giải Nobel Hòa bình 1991 đã nhấn mạnh : « Chúng tôi hãy còn xa mới đến được mục tiêu. Con đường này sẽ không đơn giản, dễ dàng, mà sẽ rất cam go và đầy trở ngại ». 

Dầu sao, đối với ông Geir Lundestad, thư ký điều hành Ủy ban Nobel, việc bà Aung San Suu Kyi đến được Oslo là cả một « bài học lạc quan ». Ông tuyên bố : « Điều đó cho thấy là về lâu dài, không ai có thể cầm quyền trái với ý nguyện của nhân dân ».

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120616-aung-san-suu-kyi-tu-tu-nhan-can-dam-tro-thanh-dan-bieu-quoc-hoi

Bà Suu Kyi: Có một tù nhân chính trị đã là quá nhiều

Lãnh tụ dân chủ Miến Ðiện Aung San Suu Kyi nhận sự hoan hô Ủy ban Nobel Na-uy ở Oslo, ngày 16 tháng 6, 2012.

Lãnh đạo dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi nói rằng Giải Nobel Hòa bình đã mở ra một cánh cửa trong tim bà và góp phần nới rộng sự quan tâm của bà về dân chủ và nhân quyền vượt khỏi biên giới Miến Điện. 

Lãnh tụ đối lập này hôm nay đã kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị trong lúc bà đọc diễn văn nhận giải Nobel ở Na Uy – 21 năm sau khi bà được trao giải. Năm 1991 bà còn bị giam lỏng ở Miến Điện và lúc đó chồng bà cùng với những người con trai bà đã thay mặt bà để nhận giải.

Bà Suu Kyi nói rằng việc bị giam lỏng làm cho bà cách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng Giải Nobel đã giúp bà nói kết lại với cộng đồng quốc tế.

Bà nói rằng tuy tiến trình cải cách chính trị đã bắt đầu ở Miến Điện nhưng vẫn còn tù nhân chính trị ở nước bà và bà e rằng những người này sẽ bị bỏ lơ trong lúc những người tù nổi tiếng hơn đã được thả.

Bà được cử tọa ở thủ đô của Na Uy nhiệt liệt hoan nghênh khi nói rằng “có một tù nhân chính trị đã là quá nhiều.”

Bà nói rằng cuộc đấu tranh lâu dài của bà cho dân chủ và tự do đã dạy cho bà bài học về giá trị của lòng tử tế. Bà nói rằng khi nào sự chịu khổ bị làm ngơ thì đó chính là lúc “hạt mầm xung đột” được gieo xuống, vì sự chịu khổ gây ra oán thù và căm phẫn.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Chuyên về những bài đăng trên các Trang mạng nằm trong danh sách bị Nhà nước chận-
Những ý kiến xây dựng đều được hoan nghênh

Blogger Widgets

Mời tham gia fanpage của XĐ

Powered By Blogger Widgets