Cập nhật: 13:03 GMT - thứ sáu, 16 tháng 8, 2013
Trong một phán quyết chưa có tiền lệ, tòa phúc thẩm tỉnh Long An xử sinh viên Nguyễn Phương Uyên 3 năm tù cho hưởng án treo, trong khi Đinh Nguyên Kha được giảm án xuống 4 năm tù giam, theo một luật sư có mặt tại phiên tòa.
Chủ đề liên quan
Trả lời phỏng vấn BBC qua điện thoại ngay lúc ra khỏi trại tạm giam ngày 16/8, sinh viên Nguyễn Phương Uyên nói: "Tôi rất hạnh phúc khi được về với gia đình".
Cả hai người bị xử tù 6 năm và 8 năm tù giam vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự tại phiên sơ thẩm ngày 16/5/2013.
Luật sư Nguyễn Thanh Lương, đại diện cho một vụ dân sự liên đới tại phiên tòa hôm 16/8, cho BBC hay Phương Uyên còn phải chịu 52 tháng thử thách và Đinh Nguyên Kha thêm 3 năm quản chế tại địa phương.
Giải thích về quyết định muốn tự bào chữa, Uyên nói "tôi muốn nói nhiều hơn nhưng tại tòa thì những vụ án như tôi, quyền hạn của luật sư rất hạn chế, thậm chí là không có, nên tôi quyết định tự bào chữa cho mình."
Trả lời trước câu hỏi của BBC về những thay đổi trong một năm qua, sinh viên này cho biết:
"Người ta bảo đi một ngày đàng học một sàng khôn"
"Tôi thấy trong lòng mình nhen nhóm lên một nhiệt huyết, chưa thể dừng ở đây được. Cần phải cháy nhiều hơn nữa."
"Nhưng như người ta bảo, hữu dũng vô mưu ... Tôi sẽ điềm tĩnh hơn."
"Tôi nghĩ hành động của mình nhỏ bé thôi ... Nhưng tôi vui mừng và tự hào vì đã cống hiến cho đất nước, khơi dậy lòng yêu nước của các bạn trẻ, để họ không còn vô cảm nữa."
"Tôi rất tiếc khi nhìn thấy những thanh niên là bạn ngồi cùng lớp với tôi, là các anh chị đã tốt nghiệp, nhưng vì sợ, họ lại trú mình."
Chưa từng có tiền lệ
Mức giảm án như trên là chưa từng thấy, nhất là trong các vụ án có yếu tố chính trị, đặc biệt khi kết thúc phiên xử sáng, Viện Kiểm sát còn đề nghị giữ nguyên án của Phương Uyên (6 năm tù giam) và chỉ giảm án cho Nguyên Kha từ 8 năm xuống còn 5-6 năm.
Trước đó, cả hai sinh viên này đã từ chối luật sư. Phương Uyên đã tự bào chữa và không nhận tội.
Đinh Nguyên Kha đã xin giảm án.
Luật sư Lương cho hay rằng "không khí trong và ngoài phòng xử khi tòa tuyên án rất xúc động".
Cha của Nguyễn Phương Uyên, ông Nguyễn Duy Linh, nói với BBC: "Tôi vỡ òa lên vì sung sướng".
Ông Linh cũng nói Uyên đã được chuyển về lại trại giam để làm giấy tờ ra trại, và gia đình đang trên đường tới đó để đón em.
Rải truyền đơn
"Điều này cho thấy việc liên tục gây sức ép với Việt Nam về nhân quyền có thể mang lại những kết quả tích cực."
Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Human Rights Watch
Nhận xét về diễn biến bất ngờ trong phiên tòa tại Long An, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết:
"Kết quả này quả là vượt trên cả sự mong đợi, nhưng điều này cũng không hề thay đổi sự thật rằng cả hai thanh niên lẽ ra không phải chịu cảnh giam giữ ngay từ đầu. Trong lúc gia đình Uyên cảm thấy hạnh phúc vì cô được thả, bản thân cô vẫn phải trải qua ba năm tù treo và chỉ một bước đi thiếu tính toán có thể khiến cô bị giam cầm trở lại."
"Đối với Đinh Nguyên Kha, nhà cầm quyền phải trả tự do cho thanh niên này ngay lập tức và vô điều kiện."
Ông cũng nhận xét về mặt trái của quyết định này:
"Việc tòa án xét xử như vậy cũng chỉ ra một thực tế: Tòa án và các cơ quan 'công lý' của Việt Nam hoàn toàn làm việc một cách mờ ám và bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ và đảng cầm quyền."
Tuy nhiên, vị đại diện HRW cũng nói đây là một tín hiệu "tích cực" và cũng là bài học kinh nghiệm cho cộng đồng quốc tế.
"Rất có thể áp lực của cộng đồng quốc tế đã giúp dẫn đến kết quả này, và điều này cho thấy việc liên tục gây sức ép với Việt Nam về nhân quyền có thể mang lại những kết quả tích cực. Cộng đồng quốc tế nên rút kinh nghiệm từ việc này và gia tăng nỗ lực trong việc thúc giục Việt Nam tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của người dân nước mình."
Hôm 14/10/2012, Nguyễn Phương Uyên, lúc đó 20 tuổi và là sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm Hồ Chí Minh, bị công an vào phòng trọ ở TP HCM mang đi điều tra về cáo buộc rải truyền đơn.
Một số trang mạng lưu truyền thông tin Phương Uyên là một thành viên của một câu lạc bộ có tên là Tuổi trẻ Yêu nước có hoạt động chống chế độ.
Theo đó, bốn ngày trước khi Phương Uyên bị bắt, nhóm Tuổi trẻ Yêu nước đã ‘gài truyền đơn bên hông thành cầu An Sương’ ở gần Sài Gòn.
Nguyễn Phương Uyên được nói đã nhận phân công là ‘chụp ảnh những diễn biến hôm đó’.
Phương Uyên bị khởi tố hôm 3/11/2012 trong vụ án cũng có liên quan tới ông Đinh Nguyên Kha, sinh năm 1988, về tội rải truyền đơn chống nhà nước.
Cơ quan công an nói một người khác được cho là đầu mối của vụ việc, Nguyễn Thiện Thành, đã trốn sang Thái Lan.
Truyền thông trong nước hồi tháng 11/2012 nói các tang vật mà cơ quan điều tra thu được gồm hơn 700 tờ truyền đơn, cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ miền Nam Việt Nam trước đây cùng hơn hai kg hoá chất tạo thuốc nổ cùng một số tang vật khác
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/08/130816_uyen_kha_appeal.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/08/130816_uyen_kha_appeal.shtml
Related Posts :
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Chuyên về những bài đăng trên các Trang mạng nằm trong danh sách bị Nhà nước chận-
Những ý kiến xây dựng đều được hoan nghênh