(Dân trí) - “Lực lượng bảo vệ ở đâu khi có cháy? Khi chúng tôi có mặt thì 4 bề trung tâm vẫn đóng im ỉm, tất cả các van nước đều không được mở. Khi cảnh sát PCCC điều hai cái xe chạy è è đến, một cái hết nước, một cái chết máy…”.
Chiều 16/9, UBND TP Hải Dương và Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Hải Dương tổ chức đối thoại với hơn 500 tiểu thương bị thiệt hại sau vụ cháy trung tâm thương mại.
Hàng trăm hộ dân khi được hỏi đến chỉ biết khóc ròng mà không nói nổi lời nào. Tất cả các câu hỏi của tiểu thương đều tập trung vào thắc mắc: Cháy từ 1h sáng nhưng tại sao đến 3h cảnh sát PCCC mới tới? Tại sao chỉ có hai xe cứu cháy phun nước kiểu “rửa kính”? Lực lượng bảo vệ của ban quản lý trung tâm ở đâu khi đám cháy xuất hiện?
Khánh kiệt đến đồng lẻ cuối cùng
Trung tâm thương mại Hải Dương rộng 15.000 m2, được xây kiên cố 3 tầng từ năm 1998, với gần 1.000 gian hàng. Đây được xem là chợ đầu mối, đổ buôn lớn nhất tỉnh Hải Dương từ hàng chục năm qua. Nhiều gia đình có 3 thế hệ mưu sinh tại trung tâm này. Giờ thì mọi thứ đã thành tro tàn, sắt vụn, gần 500 tỷ đồng bị khói lửa cuốn bay.
Nỗi đau của hàng trăm tiểu thương
Gần 3 ngày trôi qua, hơn 500 tiểu thương và lực lượng chức năng vẫn chưa thể vào trong hiện trường. Khói vẫn ùn lên từ các khu đổ nát. Tường của tòa nhà nứt toác nhiều chỗ và 1/4 đã sập vì không chịu nổi sức nóng khủng khiếp. Việc tiếp cận hiện trường của cơ quan chức năng trở nên nan giải bởi trong tình trạng này toàn bộ tòa nhà sẽ đổ sập bất cứ lúc nào.
Nước mắt chảy tràn, người người gào khóc, có người ngất xỉu khi chứng kiến cả cơ nghiệp của mình chỉ còn là tro đen. Nhiều tiểu thương còn kể, có một chủ của 3 quầy điện tử trị giá hơn chục tỷ đồng đã hóa điên, bỏ nhà đi sau vụ cháy.
Chị Thanh Chinh, chủ của 5 gian hàng đồ sắt gia dụng ngơ ngẩn không ăn ngủ mấy ngày nay. Chị vừa nhập 2 lô hàng khóa con voi trị giá 8 tỷ đồng trước khi xảy ra cháy 2 ngày để lấy chương trình khuyến mại cuối năm. Chồng chị bị tiểu đường nặng, một mình chị gánh vác buôn bán lo cho gia đình. “Bây giờ thành than thành bụi hết rồi. Hàng chục tỷ đồng của tôi, mà toàn tiền vay là chính. Bây giờ chồng ốm, con nhỏ biết làm sao đây. Tôi nghĩ giá chết được lúc này thì quá may mắn…”, chị Chinh nói rồi đứng dậy thẫn thờ bỏ về mặc dù cuộc đối thoại với chính quyền đang đến đoạn hỗ trợ tiểu thương ổn định cuộc sống.
Ông Bùi Đức Chí (60 tuổi) xót xa kể, nhiều tiểu thương để toàn bộ tiền mặt ở gian hàng, vì thế họ khánh kiệt đến cả đồng lẻ cuối cùng. Ông Chí “may” cầm về được 400 nghìn đồng. “Ngọn lửa ác quá, nhẫn tâm quá, đốt cháy của chúng tôi hết rồi không chừa thứ gì nữa, kể cả đồng lẻ cuối cùng”.
Lực lượng chữa cháy yếu và kém?
Hơn 500 tiểu thương đều chung ý kiến “tố” lực lượng PCCC quá yếu về phương tiện và kỹ năng, thiếu trách nhiệm.
Tiểu thương Mai Thị Loan nói: “Đám cháy phát lửa tại gian hàng bán vải phía đông của trung tâm, lập tức những công nhân quét rác cùng người dân đã hô hoán và gọi PCCC, cảnh sát 113. Nhưng mãi đến hơn 3h đội cứu cháy Hải Dương mới đến. Lúc tôi có mặt quầy hàng đồ điện của tôi vẫn chưa cháy. Phòng Cảnh sát PCCC cách trung tâm thương mại có 1km nhưng phải 2 tiếng đồng hồ mới tới là sao? Các vị ấy không mở cửa, không phá kính để cho nước tiếp cận đám cháy mà chỉ đứng ngoài bê cái vòi nước bé tý phun vào kính một cách tắc trách. Tôi đau lòng quá, thiếu nước quỳ xuống van lạy: Các cháu ơi, các cháu cứu dân với. Đập kính, phá cửa để dân cùng tham gia cứu cháy. Hãy gọi các tỉnh bạn đi, gọi thêm xe, thêm nước đi, làm thế chỉ có tác dụng rửa kính thôi. Đáp lại lời tôi là câu nói đến lạnh lòng: “Bọn tôi chỉ thừa lệnh, chúng tôi không biết”.
Bà Mai Thị Loan khóc nức nở tố cáo lực lượng chữa cháy thiếu trách nhiệm
Ông Tăng Thế Viễn (63 tuổi) bức xúc: “Lực lượng bảo vệ ăn lương của tiểu thương ở đâu khi có cháy? Khi chúng tôi có mặt thì 4 bề trung tâm vẫn đóng im ỉm, tất cả các van nước tại đó đều không được mở. Đã thế khi cảnh sát PCCC điều hai cái xe chạy è è đến, một cái hết nước, một cái chết máy. Nếu cơ quan chức năng sống có trách nhiệm hơn thì bà con tiểu thương sẽ không đến mức khánh kiệt thế này”.
Tiểu thương phân tích, trung tâm thương mại nằm ở khu vực biệt lập, 4 phía là đường rộng, ngay cạnh trung tâm là 1 hồ lớn đầy nước và 1 con kênh có khả năng cấp nước đầy đủ, nhưng cả trung tâm vẫn cháy sạch. Trong khi đó hàng năm tiểu thương đều phải đóng kinh phí cho công tác PCCC.
Đến 18h chiều 16/9, lực lượng PCCC vẫn có mặt tại hiện trường. Hai chiếc xe vẫn ở nguyên vị trí, ì ạch phun nước. Tuy nhiên vẻ mệt mỏi và bất lực hiện rõ. Có vòi phun nước được gác hẳn lên cành cây, tự động phun nước vào đám cháy.
Ông Nguyễn Tiến Phụng đối thoại với tiểu thương
Trả lời chất vấn của tiểu thương, ông Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương Nguyễn Tiến Phụng cho biết: Công an tỉnh Hải Dương đã lập chuyên án điều tra vụ việc. Khi điều tra hoàn tất, nếu xác định có yếu tố hình sự sẽ có hình thức xử lý thích đáng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phụng khẳng định, trong những năm qua, UBND TP Hải Dương đã đầu tư kinh phí cho BQL trung tâm thương mại tập huấn, mua sắm trang thiết bị nhưng khi cháy xảy ra, họ lại lúng túng chẳng biết làm gì ngoài việc đứng nhìn.
Một vòi phun nước được gác cố định lên cành cây
Chiến sĩ PCCC mệt mỏi sau nhiều giờ dập lửa
Nói về công tác chữa cháy, đại diện lãnh đạo công an tỉnh Hải Dương “lấp liếm”: Cháy chợ thì khó cứu. Đến chợ Vòm của Nga còn phải bó tay nữa là Việt Nam (!).
PV Dân trí liên hệ với lãnh đạo PCCC để làm việc nhưng bất thành vì lãnh đạo… không có nhà.
Hơn 500 tiểu thương bức xúc: Đáng lẽ đứng trước nỗi đau lớn của dân, chủ tịch tỉnh, giám đốc công an tỉnh, lãnh đạo PCCC và ban quản lý chợ phải đến buổi đối thoại với tiểu thương. Tại sao các vị lãnh đạo lại vắng mặt vào lúc này?
Thu Hằng
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Chuyên về những bài đăng trên các Trang mạng nằm trong danh sách bị Nhà nước chận-
Những ý kiến xây dựng đều được hoan nghênh