Vũ Đông Hà (Danlambao) - Khi Điều 88 không còn là một cái lưới giăng rộng khắp để khép tội "tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCNVN"; lúc Điều 79 "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" đã bất lực trước sự tranh đấu của quá nhiều dân oan đòi đất, của giáo dân bảo vệ tài sản của giáo xứ và quyền tự do tín ngưỡng, của các blogger bày tỏ quan điểm trước những vấn nạn xã hội, của những Công dân Tự do xuống đường phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà chính Nhà nước Việt Nam ký kết... thì Điều 258 đã trở thành "vũ khí đàn áp chiến lược" của đảng.
Những đặc điểm của Điều 258
Với nội dung - "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân: (1) Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; (2) Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm" - Điều 258 mang những đặc điểm sau đây:
- Không chỉ áp dụng cho những hành vi mang tính chính trị. Mọi hành động, sinh hoạt của công dân Việt Nam đã trở thành mục tiêu nhắm đến khi Điều 258 không chỉ giới hạn trong lãnh vực"tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội" mà còn được mở rộng tràn lan với đoạn "và các quyền tự do dân chủ khác". Nói một cách khác, Điều 258 tước đoạt tất cả quyền tự do.
- Cụm từ "lợi dụng" đứng một mình, không được diễn đạt, quy định bằng văn bản pháp lý nào khác, đã chính thức cấp giấy phép cho công an làm quan tòa tại chỗ, tùy tiện bắt giữ bất cứ ai, đang làm bất cứ điều gì;
- Cụm từ "xâm phạm lợi ích" đã trở thành lá chắn pháp lý bảo vệ những chủ thể mà đảng muốn bảo vệ, đồng thời cung cấp thanh gươm để trảm bất kỳ công dân nào có ý kiến tiêu cực đối với những chủ thể ấy - cụ thể là với các cán bộ, chính sách của đảng và nhà nước, hay thậm chí những hoạt động, sản phẩm của các công ty...;
- Với những chủ thể bị "xâm phạm" là Nhà nước, tổ chức, công dân - cộng thêm tính tùy tiện và mơ hồ của những cụm từ "lợi dụng" và "xâm phạm" nói trên - đảng và hệ thống công an + pháp lý của đảng đã tự ban cho họ quyền bắt giam, truy tố, xét xử, kết án và bỏ tù công dân trong mọi tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với một công ty... cho dù "chủ thể Nhà nước" hoàn toàn không bị "xâm phạm" trong vụ việc.
Tất cả những đặc điểm này biến Điều 258 thành một cái lưới khổng lồ cho phép đảng cầm quyền bắt vợt và cho vào tù bất kỳ ai trong số hơn 90 triệu con người mà đảng đang cai trị.
Giăng lưới 258
Tháng 5-2013, Điều 258 đã được công an "thử nghiệm" áp dụng cho những hành vi thuộc loại"sử dụng các quyền tự do dân chủ khác". Đó là trường hợp quy tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ..." của Điều 258 trong biên bản vi phạm hành chính đối với blogger Mẹ Nấm, Phạm Văn Hải ở Nha Trang, Đỗ Anh Tuấn và Nguyễn Việt Hưng tại Vĩnh Phúc chỉ vì tham gia Dã ngoại Nhân quyền và phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Ngày 26-5-2013 blogger Trương Duy Nhất bị bắt. Ngày 12-6 đến phiên Đinh Nhật Uy. Một ngày sau đó là nhà văn Phạm Viết Đào. Tất cả đều bị dẫn độ về trại giam công an bởi cái còng mang số 258. Khác với những trường hợp trước đây như blogger Cô Gái Đồ Long - Nguyễn Hương Trà cũng bị lâm nạn bởi Điều 258, lần này người ta có cảm nhận đây là mở màn cho một cuộc bố ráp toàn diện. Giới blogger trong những ngày đầu sau vụ bắt bớ ba người này đã có những phản ứng khác nhau - từ e dè, lo lắng cho đến sợ hãi. Tuy ở những mức độ khác nhau nhưng mỗi người đều có thể có cảm nhận số phận của mình không khác gì Đào - Uy - Nhất. Bao giờ đến lượt mình... là câu hỏi của một số người.
"Chiến dịch 258" đã được bắt đầu với mục tiêu gieo rắc sợ hãi, tạo tâm lý "cá nằm trên thớt" cho nhiều người hoạt động cho nhân quyền và dân chủ mà các blogger chỉ là một thành phần trong đó.
Tuyên bố 258 và đòn phản công của Mạng lưới Blogger Việt Nam (MLBVN)
Trước tình hình đó, 8 giờ tối thứ năm, ngày 18-7-2013 Tuyên bố 258 ra đời. Theo tổ chức Những Người Bảo vệ Quyền Dân sự (Civil Rights Defenders) của Thụy Điển, "đây là một trong những chiến dịch về nhân quyền tinh vi nhất mà Việt Nam chứng kiến, đã được nhìn thấy rộng rãi từ trong nước ra đến hải ngoại".
Chiến dịch "0258" cần được nhìn rộng hơn thay vì đơn thuần chỉ là một bản tuyên bố - vốn chỉ là điểm khởi đầu cho một cuộc vận động và tranh đấu lâu dài. Trong chiến dịch này, bằng nội dung của Tuyên bố 258, MLBVN đã:
1. Mở ra một "sân chơi" mới, vượt qua không gian Việt Nam mà đảng và nhà nước vốn tung hoành một mình một chợ. Đó là sân chơi quốc tế. Thành phần tham dự trong "kịch bản" này không chỉ gồm một bên là những công dân Việt Nam thấp cổ bé họng, bên kia là tập thể / bộ máy đàn áp của hệ thống cai trị. Tham dự cùng họ giờ đây là đại diện Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền - đối tượng mà đảng và Nhà nước Việt Nam đã đầu tư rất nhiều nỗ lực vận động để được là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016; là đại diện các tòa đại sứ, trong đó có Hoa Kỳ là quốc gia mà Việt Nam đang nỗ lực vận động để được chấp nhận vào quy chế TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership - Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương). MLBVN đã chọn những đối tác, chọn những vấn đề liên quan có ảnh hưởng đến quyền lợi của đảng.
Điều cần lưu ý về thành quả của chiến dịch 0258 là phản ứng của các đối tác quốc tế. Không phải họ không biết nội dung của Tuyên bố 258 trước khi đại diện MLBVN đến trao trực tiếp cho họ. Bản tuyên bố đã được gửi đi từ trước và nhiều tổ chức quốc tế đã góp phần tiếp tay phổ biến rộng rãi. Hành động tiếp đón MLBVN thật sự là thông điệp chính trị mạnh mẽ nhất từ một bộ phận quan trọng của Liên Hiệp Quốc, từ các tòa đại sứ và cơ quan ngoại giao, nơi mà những phản ứng, thông điệp chính trị đối với một quốc gia khác thường vốn rất chừng mực và... ngoại giao.
2. MLBVN đã gửi đến mọi người hình ảnh những công dân khắp ba miền, trong đó có những bạn rất trẻ như blogger Hư Vô, Gió Lang Thang, Nguyễn Thảo Chi, Nguyễn Nữ Phương Dung, Nguyễn Hoàng Vi, Lan Lê, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Vũ Hiệp... MLBVN đã góp phần phá tan sự sợ hãi của nhiều người với hình ảnh của các thanh niên, thiếu nữ hiền hòa và trẻ tuổi này. Các bạn trẻ ấy, bằng hành động của chính mình, cũng đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: Bất kỳ ai cũng có thể giữ một vai trò quan trọng và đóng góp thành công trong một kế hoạch được chuẩn bị chu đáo.
3. Bên cạnh việc mở ra sân chơi chính trị mang lại nhiều trói buộc để nhà cầm quyền khó có thể múa gậy vườn hoang và nếu có sẽ đem lại nhiều tổn thất trong các nỗ lực vận động ngoại giao đánh bóng bộ mặt của đảng, MLBVN còn xây dựng chiến dịch theo phương hướng chính danh và số đông. Với hơn 100 chữ ký và nhiều đại diện, nhà cầm quyền không còn có thể cô lập, trấn áp 1, 2 cá nhân để làm tê liệt một phong trào. Lần đầu tiên trong "lịch sử" trấn áp, sau khi thất bại với những sách nhiễu đối với mẹ của blogger / nhà báo Đoan Trang, "mời" lên đồn công an một vài blogger, đảng và nhà nước phải sử dụng đến thành phần dư luận viên với cái gọi là "Nhóm phản bác Tuyên bố 258". Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại dưới con mắt nhìn khách quan của người theo dõi vụ việc khi MLBVN phản công bằng việc chính thức mời gọi tranh luận công khai và nhóm phản bác đã không dám tham gia.
Phiên tòa xử Đinh Nhật Uy
Đảng và nhà nước bước sang giai đoạn 2 của "chiến dịch 258" bằng phiên tòa xử Đinh Nhật Uy vào ngày 29/10/2013. Cú ra quân này đã "không hay" ngày từ đầu với một bản cáo trạng "ngây ngô" và "lố bịch" ngang tầm với vụ bao cao su dàn dựng cho Ts Cù Huy Hà Vũ. Lố bịch với những tang chứng áo thun bảo vệ chủ quyền chẳng khác gì vinh danh lòng yêu nước của Đinh Nhật Uy. Ngây ngô khi kết tội Uy vì những điều Uy viết được nhiều người "like".
Ngày 24/10, chỉ vài ngày sau khi lịch xét xử được công bố, MLBVN gửi ra Tuyên bố của Mạng lưới Blogger Việt Nam về cáo trạng và phiên tòa xét xử Đinh Nhật Uy. Bản Tuyên bố ngắn gọn - 842 chữ - đã trở thành một "bản cáo trạng" như lời của còm sỹ Lê Thiện Ý trên trangDanlambao:
“Tuyên bố nầy cũng là 'bản cáo trạng' đối với toàn bộ đảng csvn, tố cáo sự LẬT LỌNG (với tuyên ngôn QTNQ), sự TÙY TIỆN (ai cũng có tội), sự NHẬP NHẰNG (giữa đảng-nhà nước-điều tra-viện ks-tòa án)... Bản TUYÊN BỐ ngắn nhưng chuyên chở những NGHỊCH LÝ (trong hệ thống pháp lý của CHXHCNVN), vạch trần tội vi phạm nhân quyền mà họ đã ký kết”.
Tuyên bố này của MLBVN cũng mở ra khung cảnh chính trị mới ở Việt Nam: một tập thể công dân Việt Nam sẽ yêu cầu Viện Kiểm sát truy tố họ ra tòa vì đã "vi phạm" vào những "tội" giống như Đinh Nhật Uy. Đồng thời nhiều tập thể công dân Việt Nam sẽ làm đơn truy tố lãnh đạo đảng đã vi phạm Điều 258 dựa theo đúng nội dung của điều luật phi lý này.
Liên minh 0258
Đọc kỹ lại Điều 258:...Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự dotín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích...
Đây không chỉ là sợi dây thòng lọng treo lơ lửng trước tập thể blogger trong phạm vi tự do ngôn luận. Vì thế cần có sự chủ động tranh đấu từ thành phần tôn giáo, tập thể đang cổ súy xã hội dân sự, những người đấu tranh cho dân oan, và mọi công dân Việt Nam đang muốn bảo vệ"các quyền tự do dân chủ khác". "Trận chiến 258" có thể được xem là cơ hội tốt nhất để có những kết hợp bằng hành động, sự hưởng ứng đồng loạt của mọi thành phần công dâncùng chia sẻ một điểm chung: tranh đấu cho quyền tự do dân chủ và đang là đồng nạn nhân của Điều 258.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Chuyên về những bài đăng trên các Trang mạng nằm trong danh sách bị Nhà nước chận-
Những ý kiến xây dựng đều được hoan nghênh