Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Phải công khai cho rõ ràng bằng văn bản trước toàn dân - lãnh đạo: đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ - ai sẽ chịu trách nhiệm 9 tỷ USD và di lụy không thể tính hết được nếu một cơn bão như “Haiyan” tấn công 2 nhà máy điện hạt nhân sau khi hoàn thành tại duyên hải Ninh Thuận. Nếu không tham khảo ý kiến nhân dân về công trình này - vốn là tài sản nhân dân - các quan chức tất yếu phải chịu trách nhiệm hồi tố sau này.
Sau bão hủy diệt Haiyan nhiều nơi ở Philippines thành chốn
hoang tàn không một ngôi nhà nào còn tồn tại trong một khu vực rộng lớn.
Thông cáo của cơ quan cứu trợ LHQ ngày 14-11 cho biết số người bị ảnh hưởng bởi “cơn bão tàn khốc” Haiyan đã tăng lên 11,8 triệu người, 4.460 người thiệt mạng, 921.200 người mất nhà cửa và 243.600 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Điều gì xảy ra nếu tình huống trên rơi vào NMĐHN Ninh Thuận này?
Khẳng định rằng điều tự vấn trên đặt ra không phải là chuyện viễn tưởng khi mới đây nhất cơn bão số 15 hình thành lúc 19h tối 14/11/2013 áp sát Ninh Thuận nhưng nhờ may mắn không khí lạnh (gió mùa Đông Bắc đến sớm) tràn xuống kịp lúc nên bão hạ cấp thành áp thấp vào ngày 15/11.
Bão số 15 trên biển Đông (Ảnh vệ tinh)
Áp thấp đổ bộ vào duyên hải Ninh Thuận vị trí NMĐHN trưa ngày 15/11
Ngay từ khi còn là dự án (tạm gát qua một bên nguy cơ xung đột hải chiến Biển Đông với Trung Quốc), rất nhiều chuyên gia nguyên tử trong và ngoài nước cảnh báo về an toàn nguyên tử và thiên tai, nhưng lãnh đạo CSVN cho đến bây giờ vẫn cứ hào hứng trong khí thế hồ hởi triển khai dự án.
Người đứng đầu cơ quan an toàn hạt nhân của Việt Nam, ông Vương Hữu Tấn, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng ngày khởi công cho hai nhà máy đầu tiên đã bị hoãn lại ba năm từ 2014 tới 2017.
Hơn nữa, thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản hồi tháng Ba năm 2011 cũng gây lo ngại về các kế hoạch NMĐHN ở Việt Nam.
Một nghiên cứu hồi năm 2011 của ba nhà khoa học Ý nói tiền lệ lịch sử cho thấy bờ biển Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng của sóng thần do động đất xuất phát từ ngoài khơi Biển Đông gây ra.
Bản đồ mô phỏng của họ cho thấy Ninh Thuận, nơi được chọn để xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, và một số tỉnh lân cận dễ bị ảnh hưởng của sóng thần nhất. (BBC)
“Mặc kệ dư luận”
Nhật Bản và các quốc gia tiên tiến đã lên kế hoạch loại bỏ dần điện hạt nhân trong khi VN thì đang làm ngược lại.
AP cho rằng một trong các lý do mà Việt Nam vẫn quyết tâm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ven biển có thể là họ không cần phải quan tâm chịu sức ép của cộng đồng dư luận trong nước.
Đảng cộng sản kiểm soát truyền thông trong nước và cấm các thảo luận có tính chỉ trích đối với hoạt động của chính quyền.
AP dẫn lời chuyên gia nghiên cứu Kevin Punzalan từ Philippines nói điều này trái ngược với Malaysia, Indonesia và Philippines, nơi người dân phản đối điện hạt nhân rất hiệu quả.
Trả lời BBC tiếng Việt vào tháng trước, giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF) đã cảnh báo Việt Nam có thể sẽ phung phí hàng chục, hàng trăm tỷ đôla mà không đem lợi ích gì cho đất nước do hậu quả từ các NMĐHN này.
"Nếu một thảm họa như Chernobyl hay Fukushima xảy ra thì cả miền Trung sẽ bị phóng xạ bao trùm và đất nước sẽ bị chia đôi lâu dài bởi phóng xạ , du lịch, xuất khẩu, kinh tế hải sản sẽ bị tê liệt trong chớp nhoáng, rất khó khăn khi phục hồi, gần nhất hãy nhìn nước Nhật hùng mạnh nhưng phải lao đao mất ghế một thủ tướng bởi hậu quả rất phức tạp và tốn kém từ Fukushima” - ông Nhẫn nói.
Trong khi dự án tàu cao tốc được đưa ra quốc hội để thảo luận thì dự án điện hạt nhân đảng nhà nước lại im lặng mà Quốc Hội thì không đặt vấn đề, trong khi trước đó thì dự án bauxite được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mô tả đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhưng kết quả ra sao thì hiện nay báo chí công luận đã biết. (BBC-17 tháng 10, 2013)
Nói như ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân VN: “thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản hồi tháng Ba năm 2011 (Fukushima) cũng gây lo ngại về các kế hoạch NMĐHN ở Việt Nam”. Thì rất gần với Việt Nam, cơn siêu bão Haiyan mới đây ở Philippines sẽ không còn là lo ngại với ông mà... Nâng cấp lên thành “Lo Sợ”.
Liệu Quốc Hội có biết “Sợ” để yêu cầu ê kíp tầm cao trí tuệ 4 ông Hùng Dũng Sang Trọng ký tên chịu trách nhiệm về việc vay gần 9 tỷ USD để rước 2 quả bom nguyên tử “nổ chậm” cài đặt trên đất nước mình? Gây lo sợ cho cư dân Ninh Thuận và gánh nặng cho toàn dân?
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Chuyên về những bài đăng trên các Trang mạng nằm trong danh sách bị Nhà nước chận-
Những ý kiến xây dựng đều được hoan nghênh