Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Nguyễn Văn Thạnh - Những sai lầm "thơm ngon"

Nguyễn Văn Thạnh
Câu hỏi đặt ra là tại sao một điều căn bản của kinh tế học, không có gì cao siêu khó hiểu - phải nói là đến con nít cũng biết - mà dân tộc chúng ta cứ lâm vào hết lần này đến lần khác?
image001_32.jpg
Vậy là điều gì đến cũng đã đến. Với món nợ lên gần cả 100.000 tỷ, trong khi thực lực chỉ là vài chục con tàu nát vương vãi khắp thế giới, phá sản là điều không thể tránh khỏi của quả đấm thép hùng tráng một thời: Vinashin. Điều đặc biệt ở đây không phải phá sản theo lệ thông thường mà đổi tên từ Vinashin thành SBIC. Một ảo thuật để (gần) 90 triệu dân đang đói kém quên đi nguồn cơn của nỗi khốn khó?
Cũng như những con quái vật, trước khi chết, chúng cũng sẽ ra sức giãy dụa, tiêu hao sinh lực rất nhiều. Ban đầu, chúng được những vị quan to nhất nước trấn an tinh thần kiểu như “sau tái cơ cấu, Vinashin sẽ phục hồi và có lãi” rồi “Vinashin tự vay tự trả, nhà nước không chịu trách nhiệm” rồi “tái cơ cấu chuyển Vinashin cho Vinalines tiếp quản” rồi “chính phủ bảo lãnh trả nợ thông qua phát hành trái phiếu”,... và cuối cùng là đổi tên.
Thật hồi hộp và chóng mặt với đường đi đầy ảo thuật của quả đấm thép bao năm qua. Mỗi chặn đường tiêu tốn không biết bao mồ hôi, nước mắt của muôn dân vì phải đóng thuế, gánh nợ.
Kết quả thực tế là món nợ càng ngày càng tăng theo lãi suất và hàng chục con tàu nát ngày càng mục hơn và vẫn vươn vãi khắp nơi trên thế giới.
Không có gì phải vội với món tiền lãi chóng mặt, đơn giản vì đó không phải tiền của các vị có trách nhiệm. Đã có mồ hôi, sức lao động và tài nguyên “gái đẹp” của cả dân tộc gánh vác. Chẳng những gánh vác món nợ khổng lồ đó mà còn gánh vài chục biệt thực, siêu xe cho các vị lãnh đạo Vinaline cưng chiều bồ nhí.
Thật là thảm họa. Đây có phải là sai lầm đầu tiên dân tộc Việt Nam mắc phải? Xin thưa không?
Ngay từ khi cướp chính quyền, Đảng Cộng Sản Việt Nam thực hiện nền kinh tế nhà nước chủ đạo với hợp tác xã nông nghiệp. Kết quả là đói vàng mắt với thảm cảnh:
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho quản trị xây nhà xây sân.
"
(Tương tự với nông nghiệp là chương trình cải tạo công thương nghiệp với chủ trương quốc hữu hóa nhà máy, xí nghiệp kho tàng. Kết quả là một số hưởng lợi khi nắm quyền lãnh đạo, điều khiển còn công nhân thì lương ba cọc, ba đồng. Nền công thương nghiệp lụn bại).
Đói quá thì đầu óc cũng phải mềm đi, đỡ sắc máu, đỡ kiên định trong mê muội. Lãnh đạo cũng buộc phải suy nghĩ lại và phát hiện ra sai lầm căn bản “cha chung không ai khóc, tiền chùa không ai quản lý nổi”. Ok, một nguyên lý kinh tế học rất đơn giản, dễ hiểu. Thế là đổi mới, giao ruộng lại cho cá nhân. Vinh quang khoán 10 mà có vị còn tuyên bố chắc nịch đó là sáng tạo của Đảng trong đổi mới, hay “không có Đảng CS không có đổi mới”.
Người dân sau bao năm tháng đói mòn đói mỏi, hẳn họ không còn nghĩ gì cao siêu hơn là lăn ra đồng cày cấy để có bát cơm đầy, ăn no mặt ấm cho ra con người. Điều kỳ diệu là không những họ đủ ăn mà còn xuất cảng hàng năm vài triệu tấn thóc. Dù bị hai công ty lương thực độc quyền thu mua, bán giá rẻ như bèo ra thị trường thế giới để đạt thành tích trên giao, nhưng hàng năm cũng thu về cho đất nước món tiền $ kha khá.
(Bên cạnh đó hàng triệu con em nước Việt bị vắt kiệt sức lao động trong các nhà máy gia công hay xuất khẩu lao động cũng mang về cho tổ quốc món tiền $ kha khá không kém.
Tài nguyên được cào bán cũng thu về kha khá $).
No cơm ấm cật, các quan to lại nghĩ cách tiêu tiền. Những đại dự án liên tiếp ra đời như chương trình một triệu tấn đường, chương trình xi măng, chương trình đánh bắt xa bờ, chương trình bò sữa,… Toàn những giấc mơ hoành tránh với lời tuyên bố chắc nịch là đã rút kinh nghiệm, chắc chắn thành công.
Kết cục lại như nhau: phá sản, đổ bể!
Mỗi một đại dự án đổ bể là một hội nghị tổng kết, phân tích, nghiên cứu và cuối cùng nguyên nhân vẫn là “cha chung không ai khóc, tiền chùa không ai quản lý nổi”. Lại quá đúng!
Câu hỏi đặt ra là tại sao một điều căn bản của kinh tế học, không có gì cao siêu khó hiểu - phải nói là đến con nít cũng biết - mà dân tộc chúng ta cứ lâm vào hết lần này đến lần khác?
Sau nhiều lần trăn trở với câu hỏi trên, tôi phát hiện ra một nguyên nhân rất đơn giản: vì đó là sai lầm thơm ngon!
Sai lầm thơm ngon này, ai hưởng, hẳn các bạn cũng biết.
Cái dã man của tình đồng bào là ở chỗ này: vì một chút thơm ngon mà một nhóm nhỏ người sẵn sàng xô cả một dân tộc vào bãi lầy hết lần này, đến lần khác: mặc bao em thơ đói rét không có tương lai, bao mẹ già bước chân không ngừng nghỉ kiếm ăn qua cọc vé số, bao cô gái trẻ bán mình nơi xứ người, bao chàng trai khôi ngô, sáng láng bán sức cho thiên hạ khắp năm châu bốn biển xa gia đình vợ con,… Viết những dòng này mà lòng đau như cắt!
Thông thường, một đứa trẻ, sau khi vấp ngã, chúng sẽ ghi nhớ lỗi lầm mà tránh. Nhờ thế chúng ngày càng trưởng thành.
Xem ra một dân tộc đến 90 triệu khối óc, qua bao nhiêu vấp ngã đau thương tại cùng một vị trí mà không rút được kinh nghiệm thì có lẽ dân tộc đó vẫn còn là trẻ con hoặc là bị đần.
Nguyễn Văn Thạnh

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Chuyên về những bài đăng trên các Trang mạng nằm trong danh sách bị Nhà nước chận-
Những ý kiến xây dựng đều được hoan nghênh

Blogger Widgets

Mời tham gia fanpage của XĐ

Powered By Blogger Widgets