Đội tàu Trung Quốc bao gồm ba chiến hạm thuộc loại quan trọng của hải quân nước này : Tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn (Changbaishan) và hai khu trục hạm Vũ Hán và Hải Khẩu. Trường Bạch Sơn là tàu đổ bộ lớn nhất hiện nay của Trung Quốc, được trang bị một hệ thống vũ khí tối tân. Tàu này chở theo một đại đội Thủy quân lục chiến và hai phi cơ trực thăng. Còn Vũ Hán và Hải Khẩu là hai khu trục hạm nhiều kinh nghiệm hải hành, từng được Bắc Kinh phái qua hoạt động chống hải tặc ở Vịnh Aden.
Xuất phát từ một quân cảng ở đảo Hải Nam hồi đầu tuần, tiểu hạm đội nói trên của Trung Quốc đã bắt đầu hai ngày tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa - mà Trung Quốc đã dùng võ lực đánh chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974 - nối tiếp bằng ba ngày hoạt động ở vùng quần đảo Trường Sa.
Đáng chú ý là cuộc tuần tra này lại do chính Tư lệnh Hạm đội Nam Hải Tưởng Vĩ Liệt chỉ huy. Tại vùng Hoàng Sa, ngoài việc tuần tra, đội tàu này đã thực hiện một bài tập đổ bộ chiếm đảo.
Sau Hoàng Sa, tiểu hạm đội này đã xuống Trường Sa, vào theo báo chí Trung Quốc, ông Tưởng Vĩ Liệt đã lên từng hòn đảo hay bãi đá hiện do lực lượng Trung Quốc chiếm đóng để xem xét « tình hình sẵn sàng chiến đấu của đơn vị đồn trú ». Báo chí Trung Quốc đã loan tin rộng rãi về chuyến tuần tra và thị sát này. Tân Hoa Xã đặc biệt trích dẫn một chỉ huy đơn vị đồn trú trên một bãi đá nói về cuộc sống của họ.
Điều có thể được xem là nhức nhối đối với người Việt Nam là sự kiện bãi đá đó - tên quốc tế là Johnson South Reef hay Chigua Reef - mà Trung Quốc gọi là Xích Qua, chính là Đá Gạc Ma mà họ đã chiếm đóng sau khi đánh bật lực lượng Việt Nam vào năm 1988 trong một trận hải chiến khốc liệt.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Chuyên về những bài đăng trên các Trang mạng nằm trong danh sách bị Nhà nước chận-
Những ý kiến xây dựng đều được hoan nghênh