Gia Minh: Tiến sỹ là một người được mời đến tham dự sinh hoạt hướng đến một nền báo chí độc lập nhưng passport của ông bị giữ chưa thể đi được, vậy việc không để một người trong nước ra đi tham dự sinh hoạt hướng đến một nền báo chí độc lập như thế nói lên điều gì?
TS Phạm Chí Dũng: Càng tốt, thưa anh! Ghi thêm một điểm cho Việt Nam về biểu dạng khuôn mặt nhân quyền trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào tháng 11 năm 2013, và tưởng rằng đó như là một tín hiệu đáng mừng, một niềm khích lệ; nhưng ngay cả những qui định đơn giản nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc về vấn đề đi lại, xuất nhập cảnh cá nhân mà cũng không được tôn trọng một cách đúng mức từ phía Nhà nước Việt Nam thì làm sao có thể nói đến những vấn đề nhân quyền lớn lao khác, như ông ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã nói Việt nam tuân thủ đến hơn 80% những khuyến nghị của cuộc Kiểm điểm Phổ quát về nhân quyền năm 2009 của Liên hiệp quốc. Tôi cho đó là một sự giả dối, và muốn chứng minh sự giả dối đó, nếu nói riêng về vấn đề quyền tự do đi lại liên quan đến Điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, có đến hằng trăm trường hợp có thể chứng minh được tại Việt Nam. Vì hiện ở Việt Nam có ít nhất 100 nhân vật bất đồng chính kiến bị cấm xuất cảnh, trong đó khá nhiều bị thu giữ hộ chiếu. Thậm chí vào Tết vừa rồi cũng đã chính thức hình thành một Hội những người bị cấm xuất cảnh. Đó là một hội chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Theo một nguồn tin không chính thức chưa kiểm chứng, trong chuyến đi làm việc tại Việt Nam về vấn đề nhân quyền, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Leahy cũng đã đặt vấn đề xuất cảnh của những người muốn thể hiện chứng kiến của mình, như là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ song phương hàng đầu Việt Nam- Hoa Kỳ. Và không chỉ song phương về mặt chính trị, ngoại giao, quân sự mà tất nhiên phải song phương về mặt kinh tế và trong đó tất nhiên phải hướng đến vấn đề Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Gia Minh: Tiến sĩ vừa nhắc những người bị tước đi quyền đi lại như thế đã lập một hội, và họ cũng đã có hai cuộc gặp nhau gọi là ‘Cà Phê Nhân quyền’ để nói về vấn đề này. Cũng là một trong số đó, thì việc lên tiếng để đòi hỏi quyền cho bản thân và những người khác trong thời gian sắp đến sẽ ra sao nữa?
TS Phạm Chí Dũng: Thực ra đã có ba cuộc bàn về nhân quyền rồi. Cuộc gần đây nhất diễn ra vào buổi sáng hôm nay. Thông tin mà tôi nghe được lại trái ngược với hai cuộc lần trước, nghĩa là ‘quá tam ba bận’, cuộc lần này đã diễn ra đàn áp. Không hiểu như thế nào mà tại một thành phố hiền hòa, êm đềm du lịch như Nha Trang lại có thể diễn ra việc đánh đập và bắt giam hằng chục bloggers tham dự Cà phê Nhân quyền vào buổi sáng hôm nay. Đó là điều ngạc nhiên, nó trái ngược hình ảnh hai cuộc cà phê nhân quyền trước đó vào tháng hai và tháng ba tại Sài Gòn và tại Hà Nội, cơ bản không diễn ra sự trấn áp thô bạo. Không khí tương đối bình lắng, tương đối hiệu quả và tại Hà Nội thậm chí còn có sự hiện diện của một số viên chức đại diện ngoại giao nước ngoài.
Riêng cá nhân tôi, tôi đã và sẽ làm theo kiểu của mình; nghĩa là vấn đề cấm xuất cảnh đối với tôi trong chuyến đi Geneve, Thụy Sỹ trong tháng hai vừa rồi, theo tôi được biết là một trong những vấn đề được đánh giá rất nghiêm trọng theo quan điểm của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Vì thế họ sẽ ưu tiên cứu xét vấn đề này như là một trong những nổ lực hàng đầu.
Theo quan điểm một khách mời của Liên hiệp quốc mà bị một quốc gia thành viên, nơi mà khách mời đó mang quốc tịch, ngăn cản, ngăn trở thì đó là một hành vi không thể chấp nhận được. Vì thế thông qua một hãng luật có uy tín của quốc tế, trong tháng hai và tháng ba tôi đã hoàn thành bộ hồ sơ khiếu nại Nhà nước Việt Nam về việc ngăn cản chuyến đi Thụy Sỹ hồi tháng hai và thu giữ hộ chiếu vô lối, vô cớ và theo tôi là bất hợp pháp, trái ngược với Công ước Quốc tế về các quyền tự do dân sự và chính trị và trái ngược với Điều 12 của Hiến Pháp Nhà nước Việt Nam. Và tôi đã gửi toàn bộ hồ sơ cho Văn phòng của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Họ đã chấp nhận hồ sơ này và tiếp tục chuyển đến các cấp thẩm quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc để xem xét, giải quyết, xử lý. Nếu xử lý thỏa đáng, tôi yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải trả lại hộ chiếu cho tôi và những trường hợp tương tự như tôi, và đồng thời phải giải quyết quyền được xuất cảnh bình thường không bị ngăn cản, ngăn trở. Chính phủ Việt Nam phải thay mặt cho toàn bộ Nhà Nước Việt Nam phải đứng ra xin lỗi những trường hợp đã ngăn cản xuất cảnh trái phép như chúng tôi.
Gia Minh: Trong thời đại Internet hiện nay có thể giúp cho sự lên tiếng đóng góp cho những sinh hoạt chung trên thế giới, dù bị ngăn cản xuất cảnh, nếu được gửi đến sinh hoạt Hướng đến một nền báo chí độc lập sẽ diễn ra ở Hoa kỳ, tiến sĩ sẽ gửi đến thông điệp gì?
TS Phạm Chí Dũng: Nền báo chí độc lập nằm trong một xã hội dân sự độc lập, và Việt Nam trong tương lai phải cố gắng làm sao xây dựng một xã hội dân sự độc lập với Nhà Nước, để phản biện với Nhà Nước.
Gia Minh: Cám ơn Tiến sĩ về cuộc phỏng vấn ngắn vừa rồi.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Chuyên về những bài đăng trên các Trang mạng nằm trong danh sách bị Nhà nước chận-
Những ý kiến xây dựng đều được hoan nghênh