Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

NGƯỜI BUÔN GIÓ - AI CHỦ ĐỘNG XUYÊN TẠC THÔNG TIN?

Gần đây các cơ quan thông tin, báo đài của Đảng CSVN liên tục đưa ra thông tin về tình hình sức khoẻ của Nguyễn Bá Thanh, cũng song song như thế là các bài viết, chương trình truyền hình, báo chí, chuyên mục đòi hỏi trấn áp, đấu tranh với những thông tin mà họ gọi là '' xuyên tạc''. Những thông tin ''xuyên tạc '' mà họ gọi ở đây là những thông tin không phải do cơ quan báo đài của Đảng đưa ra.
Những cụm từ như '' chủ động cung cấp thông tin, chính xác, kịp thời, đầy đủ để đánh tan '' luận điệu xuyên tạc '' thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài báo, chương trình truyền hình phỏng vấn.....
Chúng ta thử điểm lại trong vụ thông tin về sức khoẻ của Nguyễn Bá Thanh, các cơ quan báo đài của Đảng đã chủ động, thông tin chính xác, kịp thời thế nào để có thể tự thẩm định được nhận thức cho mình trong vô số những thông tin đa chiều.
Vào khoảng tháng 8, trang blog Cầu Nhật Tân đã có bài viết chỉ rõ Uỷ viên trung ương Đảng, Trưởng ban nội chính TW Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc, phải đi Mỹ chữa bệnh.
Dư luận xôn xao quan tâm nửa tin nửa ngờ, vì trước đó báo chính thống không hề đề cập đến việc ông Thanh bị bệnh phải đi Mỹ chữa, lúc này báo Đảng mới đưa tin khẳng định ông Nguyễn Bá Thanh có đi Mỹ chữa bệnh.
Như thế liệu có phải là chủ động cung cấp thông tin cho bạn đọc không? Giả thử nếu trang blog Cầu Nhật Tân không đưa tin đó, thì liệu bao giờ báo Đảng mới chủ động cung cấp thông tin này? Có cung cấp hay là cũng lặng im luôn?
Sau khi tin từ trang blog Cầu Nhật Tân đưa ra, không còn các trang mạng '' thù địch '' đưa tin về tình trạng của Nguyễn Bá Thanh. Một quãng thời gian tiếp theo sau này, khi chấp nhận đưa tin Nguyễn Bá Thanh đi chữa bệnh, báo Đảng một mình diễn trên sân khấu thông tin, cung cấp cho bạn đọc rằng tình trạng sức khoẻ Nguyễn Bá Thanh tiến triển tốt, ông Thanh còn chỉ đạo công việc qua điện thoại. Thậm chí là ông Thanh gọi điện tự thông báo "tình hình sức khoẻ khả quan".
Người dân đọc tin được cung cấp chính xác, đầy đủ của báo Đảng, cứ ngỡ sức khoẻ ông Nguyễn Bá Thanh không có vấn đề gì.
Bỗng nhiên vào tháng 12 năm 2014, trang blog Chân Dung Quyền Lực đưa tin về tình trạng bệnh của Nguyễn Bá Thanh đã đến mức nguy hiểm, bệnh viện tối tân Hoa Kỳ đã phải trả ông Thanh về nước vì hết cách chữa. Trang blog này còn đưa hình ảnh được cho là của ông Nguyễn Bá Thanh đang trên giường bệnh rất tối tân và tiện nghi.

Hình ảnh về ông Nguyễn Bá Thanh do Chân Dung Quyền Lực cung cấp.
Thậm chí trang này còn cho biết chi tiết chuyến bay, ngày giờ mà ông Nguyễn Bá Thanh về nước. Thông tin lan rộng, gần một tuần thông tin này tung hoành trong dư luận mà không hề gặp sự phản bác nào của báo Đảng. Hầu như các tờ báo Đảng đều bị tê liệt, các phóng viên chạy ngược xuôi để thẩm định nguồn tin, thậm chí nhiều người săn tin đã mai phục ở sân bay Đà Nẵng đón ông Thanh trở về.
Lúc này dư luận mải chạy theo tin ngày ông Thanh trở về, quên mất chuyện bữa nào báo đài của Đảng ''cung cấp thông tin, đầy đủ chính xác'' cho nhân dân là bệnh tình ông Nguyễn Bá Thanh tiến triển tốt, rất khả quan.
Báo chí Đảng bất động trước thông tin bệnh tình và ngày về của ông Thanh mà trang Chân Dung Quyền Lực đưa đến vài ngày, sự im lặng thật khó hiểu, trong thời đại công nghệ thông tin phổ biến tốc độ cao như ngày nay, vài ngày im ắng trước vấn đề nóng như vậy là điều quá nghi vấn. Thậm chí họ không có nổi một tấm hình minh hoạ về chân dung ông Nguyễn Bá Thanh. Nhờ thời tiết xấu, chuyến bay không về đúng ngày, hoặc có thể là ai đó không muốn chuyến bay về đúng ngày như trang CDQL thông báo. Bấy giờ báo Đảng thò ra, chộp lấy cái ngày không đúng để quy kết thông tin của CDQL là xuyên tạc.
'Uỷ viên trung ương Đảng Trần Thọ, bí thư kiêm chủ tịch Đà Nẵng trả lời báo chí về tình trạng ông Nguyễn Bá Thanh như sau.
' Ông Trần Thọ cho biết, lúc 9h sáng hôm qua 28/12, ông vừa nhận tin trực tiếp từ bên Mỹ báo về là ông Nguyễn Bá Thanh vẫn đang chữa bệnh bình thường. "Khả năng là ảnh sẽ về nhưng chưa biết lúc nào. Hiện bệnh viện đang bồi bổ để cho ảnh khỏe lên tí nữa thì về cho nó tốt mà" - ông Trần Thọ cho hay.
Đồng thời ông Trần Thọ khẳng định thêm: "Kể cả nếu sáng nay mà có chuyện anh Thanh mất thì bên đó cũng sẽ gọi điện báo cho tôi liền. Tôi đã dặn rất kỹ rồi, có sự cố gì là phải lập tức báo cho tôi. Nhưng đến giờ này vẫn chưa có bất cứ thông tin nào báo cho tôi về việc anh Thanh đã mất. Nên tôi chắc đó chỉ là tin đồn không chính xác".
Liệu chúng ta đọc kỹ có thể tin thông tin này là trung thực không? Đầu tiên ông Thọ nói ông mới nhận được tin trực tiếp bên Mỹ báo về là ông Nguyễn Bá Thanh vẫn chữa bệnh bình thường. Như vậy có là xuyên tạc bệnh tình ông Thanh nguy hiểm thành bình thường không?
Chữa bệnh bình thường như ông chắc chắn, tai sao ông Thọ khẳng định nếu ông Thanh mất thì bên kia cũng báo ông liền.
Tâm lý người Việt Nam, ai cũng biết một điều, từ "mất" là từ rất kỵ nói ra. Dù thế lực thù địch xuyên tạc ông Thanh mất, thì một người bình thường sẽ phản bác theo kiểu - làm gì có chuyện đấy, ông ấy vừa gọi điện báo tôi xong.
Đằng này một uỷ viên trung ương, bí thư, chủ tịch thành phố lớn thứ ba đất nước lại nói "kể cả mất thì bên đó báo tôi liền, đến nay chưa có thông tin nào báo tôi anh Thanh đã mất". Một cách nói ráo hoảnh như về một điều tất sẽ đến.
Chỉ trừ trường hợp người bệnh cận kê với cái chết trên giường bệnh, người ta mới "có thể" đề cập đến tình huống xấu như vậy. Đó là nhắc đến từ "mất". Nếu trường hợp ông Thanh đã thập tử nhất sinh để Trần Thọ có thể được phép nói thế, thì tại sao trước đó lại nói ông Thanh chữa bệnh bình thường?
Vậy có thể gọi là thông tin chính xác được không? Thông tin từ miệng một lãnh đạo cao cấp còn bất nhất, câu trước đá câu sau như vậy. Phải chăng là cố tình cung cấp thông tin mơ hồ, nước đôi cho dư luận.
Hãy xem lời phát biểu đầy đe doạ của Nguyễn Thế Kỷ, phó ban Tuyên Giáo Trung Ương. Người có quyền lực thứ hai trong truyền thông ở Việt Nam nói thế này:
"Ông Nguyễn Thế Kỷ: Hôm nay không phải là một cuộc họp báo, mà là cung cấp thông tin vì báo chí quan tâm. Đây là thông tin được dư luận quan tâm, có những thông tin mới về tình trạng sức khỏe của ông Thanh nhưng hoàn toàn không phải là một thông tin bất thường."
Nói như ông Nguyễn Thế Kỷ thì sự chủ động cung cấp thông tin của báo Đảng ở đâu? Ông Kỷ nói việc cung cấp thông tin này là "vì" báo chí và dư luận quan tâm. Vậy nếu dư luận không quan tâm thì sẽ không được cung cấp, mà dư luận quan tâm bởi vì trang mạng Chân Dung Quyền Lực đưa tin. Có nghĩa nếu không có tin từ thế lực thù địch thì cơ quan, báo đài của Đảng cũng sẽ lờ tịt.
Chủ động cái nỗi gì, có chăng ở đây là sự chủ động lờ tit, bưng bít thì có.
Ngay đến chuyện chi phí chữa bệnh cho ông Nguyễn Bá Thanh cũng bất nhất vì không biết ai bỏ.
GS Phạm Gia Khải nói Nguyễn Bá Thanh là cán bộ lãnh đạo cấp cao nên có những tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe theo quy định, nhưng cho đến nay thì việc đi nước ngoài chữa bệnh của ông Thanh “không phải bằng tiền nhà nước”... đồng thời cho biết việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ông Thanh được thực hiện theo đúng nguyên tắc đối với cán bộ cấp ủy viên trung ương.
(Báo Tuổi trẻ)
Trong khi đó thì gia đình ông Thanh nói rằng ông là người của Đảng và Nhà nước, mọi thứ đã có Đảng và Nhà nước lo.
Và cuối cùng thì mượn lời của Phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương Nguyễn Thế Kỷ:
- Ông Nguyễn Thế Kỷ nhận xét, thông tin trên mạng có đầy rẫy, người đọc cần có sự chọn lọc khi đọc tin, tránh nghe theo những thông tin xuyên tạc.
Đọc những bài viết từ chính báo chí của Đảng, chính những phát ngôn của cán bộ cao cấp Đảng. Thấy lời ông Kỷ hoàn toàn có lý, có điều phải bổ sung thêm chính thông tin từ báo Đảng, từ miệng cán bộ lãnh đạo Đảng người đọc cũng cần chọn lọc, phân tích khi đọc. Vì chính những thông tin ấy không hề hoàn toàn chính xác, kịp thời, đầy đủ mà còn là xuyên tạc nữa. Cứ nhìn những bài báo, phát ngôn đã dẫn trên thì thấy rõ.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Chuyên về những bài đăng trên các Trang mạng nằm trong danh sách bị Nhà nước chận-
Những ý kiến xây dựng đều được hoan nghênh

Blogger Widgets

Mời tham gia fanpage của XĐ

Powered By Blogger Widgets